[Miniature Gaming] Sa bàn Chiến Thuật - Lịch sử sơ lược

[Miniature Gaming] Sa bàn Chiến Thuật - Lịch sử sơ lược

Phần 1: Sự Khởi Đầu

Little Wars là một trò chơi của các ông hoàng, nhưng sẽ được dành cho những người có thân phận bình thường hơn rất nhiều. Nó có thể được chơi bởi các cậu bé tuổi từ mười hai đến một trăm năm mươi, thậm chí nhiều hơn chừng nào chân tay vẫn còn cử động được…” - H.G.Wells, Little Wars (1913).

Little Wars là một bộ luật game mô hình được viết bởi tiểu thuyết gia người Anh H. G. Wells

Vào một ngày đẹp trời nọ tại một thị trấn thanh bình của nước Anh, một người đàn ông trung niên lập dị và có trí tưởng tượng độc đáo nhất thế giới thời điểm đó tới thăm nhà một người bạn. Sau bữa tối, ông bạn đó lao xuống sàn chơi với cậu con đang dùng khẩu pháo 15cm có thể bắn đạn bằng gỗ vào những chú lính chì khoảng 5cm. Người đàn ông của chúng ta quan sát một lúc rồi cuối cùng không cưỡng lại được, liền nhào xuống chơi với cả hai bố con. Sự kiện ‘trọng đại’ đó là tiền đề cho sự ra đời tác phẩm “Little Wars”, nơi những quy định cơ bản nhất về cách di chuyển, tham chiến các mô hình binh lính trên một sa bàn, có thể hoàn toàn chỉ là một sàn nhà với các mô hình nhà cửa cây cối đồ chơi, được thiết lập. Và nhân vật đấy không phải là ai khác chính là H.G. Wells, nhà văn khoa học viễn tưởng hàng đầu với các tiểu thuyết về tương lai nổi tiếng như Cỗ Máy Thời Gian, Người Vô Hình, Đại chiến giữa các Thế Giới…, những tác phẩm không chỉ thay đổi thế giới văn học mà cả thế giới khoa học trong những thế kỉ kế tiếp.

Phần 2: Sức Hấp Dẫn Đến Từ Thời Cổ Đại

Tất nhiên là đối với một giống loài ham mê và ám ảnh với chiến tranh như con người, thì các cách thức mô phỏng quân sự thu nhỏ đã phải có từ rất lâu chứ không thể chỉ bắt đầu từ thế kỉ 20. Trước bất kì một trận chiến cổ-trung đại nào, các tướng lĩnh của cả phương Đông và phương Tây đều nghiên cứu và lập các kế hoạch tác chiến trên một mặt bàn-bản đồ gồm các mô hình tượng trưng cho các đơn vị cũng như các chướng ngại (cây cối, đồi núi, sông ngòi…). Nhưng đó hoàn toàn chỉ là những công cụ hỗ trợ cho óc tưởng tượng của những ông tướng đó trong việc bố trí quân đội trong ngày xảy ra trận chiến, “đối thủ” ở đây chỉ là các chướng ngại và các vị trí giả định của quân địch. Toàn bộ thao tác giống trò xếp hình hơn là một Wargame tương tác đúng nghĩa.

Sức hấp dẫn của Game sa bàn chiến thuật đến từ những câu chuyện cổ đại

Phải đợi đến thế kỷ 6 sau công nguyên, một trò chơi mô phỏng chiến tranh mới thực sự được ra đời ở Ấn Độ, được gọi là Chaturanga, theo đúng nghĩa đen là Bốn Binh Chủng, bao gồm những mô hình thể hiện Bộ Binh, Kị Binh, Tượng Binh và Chiến Xa trên một mặt bàn vuông gồm 64 ô. Trò chơi dành cho hai hay nhiều người này nhanh chóng lan tới thế giới Ả Rập, Trung Quốc nơi nó sẽ trở thành Cờ Tướng và Châu Âu nơi nó trở thành Cờ Vua. Gần như tất cả các tầng lớp tinh hoa ở mọi nơi, đặc biệt là giai cấp quân nhân, đều say mê trò chơi này, bởi trong thời gian không có chiến sự thì rèn luyện cờ bàn là cách phát triển tư duy chiến thuật ứng dụng tốt nhất thay vì đọc lại lần thứ mấy trăm các tác phẩm của Tôn Tử, Xenophon hay Julius Caesar.

ĐỌC THÊM:

Miniature Gaming - Giới thiệu sơ lược

Lịch sử Games Workshop - Cha đẻ của tựa game Warhammer huyền thoại

Phần 3: Wargame Đầu Tiên

Có một chuyện thường xảy ra trong lịch sử nhân loại là những người Châu Á hay là những kẻ có những phát minh rất hay ho đầu tiên, nhưng để đẩy nó tới những thái cực đỉnh cao và phổ biến nhất thì lại phải nhờ tới tay người Châu Âu. Cờ bàn Chaturanga phát minh từ Ấn Độ lan tới Trung Quốc thành cờ tướng thì cũng chỉ phổ biến đối với người Trung quốc (hoặc gần với văn hóa Trung Quốc như Việt Nam) còn khi người Châu Âu hoàn thiện nó thành cờ Vua thì môn cờ này sẽ trở thành phổ biến nhất thế giới, thậm chí ngay tại quê hương tổ tiên của nó là Ấn Độ cũng có tới 70% người Ấn chơi phiên bản này của Châu Âu mà rất ít người còn biết tới bản gốc của nó (nguồn FIDE). Và tất nhiên là những người ở lục địa già không chỉ thỏa mãn có vậy, họ còn nghĩ ra đủ các kiểu phát triển cờ vua cũng khá được ưa chuộng như của Weickmann năm 1664 tăng lên 30 quân cờ mỗi bên, của Hellwig năm 1788 tăng lên 1666 ô cờ với 200 quân và cực điểm là của Vinturinus năm 1798 với 3600 ô cờ dành cho 1800 quân mô tả khu vực trung tâm quyền lực châu Âu giữa Pháp và Đức!

Wargame đầu tiên xuất hiện trên thế giới mở ra một thời kỳ mới cho Game sa bàn

Nhưng xét cho cùng các nhà chiến thuật cả chuyên nghiệp và nghiệp dư Châu Âu đều cảm thấy rất không thỏa mãn với các hệ thống cờ Vua hạn chế tối đa khả năng quan trọng số một trong quân sự: Đó là sự di chuyển. Hơn nữa cờ Vua không phản ánh được sự ảnh hưởng quan trọng của địa thế, sự chênh lệch giữa các đạo quân, sự may rủi vốn đặc trưng cho chiến tranh và sự phát triển không ngừng của khoa học quân sự (một điều khôi hài là trong khi cờ tướng Trung Quốc đã có quân pháo thì cờ vua châu Âu không hề có, bất chấp sự tiến bộ vượt bậc của pháo binh Châu Âu kể từ thời Phục Hưng). Và người giải quyết được vấn đề này, phát triển thành công trò chơi sa bàn chiến tranh mô phỏng đầu tiên áp dụng được cho các học viện quân sự xuất thân không phải từ nước nào khác, chính là Phổ (Prussia), quốc gia quân phiệt số một châu Âu. 

Năm 1812, một nhà sử học nghiệp dư là Nam tước Von Reis Switz dâng lên vua Friedrich Wilhelm III sáng chế trò chơi quân sự gồm các sa bàn tháo lắp được, trên đó những mô hình quân lính thu nhỏ bằng gốm mô phỏng các binh chủng của châu Âu đương thời sẽ ‘chiến đấu’ với nhau thông qua xúc xắc. Nó được gọi theo tiếng Đức là Kriegsspiel, theo đúng nghĩa đen của tiếng Anh là Wargame và Tiếng Việt là Trò chơi Chiến tranh. Hệ thống luật Kriegsspiel sau khi được hoàn thiện bởi con trai của Von Reis Switz trở nên đặc biệt được ưa chuộng đến mức vua Phổ ra lệnh tất cả các trung đoàn hoàng gia đều phải có một bộ trò chơi trọn vẹn! Thủ tướng Phổ nổi tiếng sau đó là Otto Von Bismarck còn buộc nó là phương tiện tự học bắt buộc cho các sĩ quan. Đây có lẽ là một trong những lý do giải thích vì sao trong các cuộc chiến của thế kỷ 19 và 20, các sĩ quan Phổ và sau đó là nước Đức thống nhất (1871-1945) đều vượt trội về tư duy chiến thuật so với các sĩ quan nước khác. Sau những chiến thắng vang dội của quân đội Phổ trước Đan Mạch (1864), Áo (1866) và Pháp (1870), các quốc gia khác đua nhau nhập khẩu Kriegsspiel cho các học viện quân sự của mình, kể cả Anh, lúc đó đang ngạo nghễ đứng trên đỉnh thế giới với một Đế chế mà “Mặt trời không bao giờ lặn”.

Phần 4: Sự ra đời của Warhammer

Trở lại nhân vật ban đầu của chúng ta, chắc chắn H.G.Wells đã từng đọc qua hệ thống luật của Kriegsspiel bởi trong phụ lục của quyển Little Wars, ông đã so sánh chi tiết giữa hệ thống trò chơi chiến tranh đang được sử dụng tại các học viện quân sự của Anh với sáng tạo của mình. Thay vì một trò chơi cực kỳ phức tạp, tỉ mẩn, giằng co, tốn thời gian chỉ dành cho các chuyên gia quân sự, những người sẽ sống hoặc chết vì nó, Little Wars “sẽ chỉ là một trò chơi giàu trí tưởng tượng sử dụng những binh lính đồ chơi dành cho từ hai, bốn đến sáu người bạn nghiệp dư chơi chọn vẹn một buổi chiều hoặc tối.” Hơn nữa là một người chống chiến tranh ‘điên cuồng’, H.G.Wells viết đoạn cuối của quyển Little Wars kêu gọi mọi người “hãy tống cụ hoàng đế hay phẫn nộ này, bác thủ tướng cuồng chiến dở hơi nọ, những nhà ‘ái quốc’ dễ bị kích động, những anh chính trị gia thích phiêu lưu vào một Đền thờ Chiến tranh cô lập ở nơi khỉ ho cò gáy nào đó, với đầy đủ mô hình cây cối giả, nhà cửa chướng ngại và hàng tấn lính chì; nơi họ sẽ tha hồ vui vầy và để mặc cho nhân loại chúng ta được yên.” Tất nhiên, ‘lời kêu gọi’ nói trên đã bị bỏ ngoài tai và chỉ một năm sau quyển ‘Little Wars’ được xuất bản, một cuộc Đại Chiến toàn cầu (the Great War) thực sự nổ ra, cướp đi sinh mạng khoảng 15 triệu người, trong đó có vô số bạn bè và người quen của chính H.G.Wells (thế chiến I 1914-1918). Ông sau này buồn bã nhận định: “Bạn chỉ cần chơi Little Wars ba hay bốn lần là sẽ thấy ngay cái Great War này sai lầm kinh khủng thế nào”.

Warhammer Age of Sigmar: tựa game sa bàn hot nhất mọi thời đại

Cũng từ thời của H.G.Wells, trò chơi sa bàn chiến thuật sẽ bị tách làm hai nhánh, một nhánh dành cho các chuyên gia quân sự của các cường quốc, có thừa thãi tiền bạc và nhân lực để đào sâu phát triển các hệ thống ngày càng vượt quá sự hiểu biết (và thưởng thức) của người thường và một nhánh dành cho dân nghiệp dư, nơi sự vui vẻ giải trí và óc tưởng tượng được đặt lên hàng đầu. Những người chơi nghiệp dư này đều là những người nghiện lịch sử và đam mê của họ cho việc tái hiện lại các trận đánh của những anh hùng trong quá khứ là điều duy nhất khiến trò chơi này vẫn được duy trì trong suốt thời gian dài mặc dù không hề có sự phát triển vượt bậc nhưng các loại hình giải trí khác. Một trong những gạo cội của Tabletop Wargame là Jack Scooby, người sáng lập ra tạp chí War Game Digest từng than là từ năm 1952 đến 1957, ông trao đổi vô số thư từ với tất cả những người chơi mà ông được biết trên toàn thế giới và đó chỉ khoảng 30 người! 

Trong những năm 60, 70 với sự ra đời nhiều tạp chí, sách chuyên về wargame (đặc biệt của Donald Featherstone) cũng như các công ty sản xuất mô hình nhựa rẻ tiền như Airfix, trò chơi bắt đầu được phổ biến dần ở các nước nói tiếng Anh, nhưng phải đợi đến sự xuất hiện của Warhammer Fantasy Battle ấn bản số I năm 1983 của một công ty trước đó toàn sống bằng nhập khẩu Dungeons & Dragons từ Mĩ và bán Boardgame là Games Workshop (GW) thì Tabletop Miniature Wargame mới thực sự tiếp cận được tới đại chúng.

Phần cuối: Sự chuyển mình đến Warhammer 40k

Giải thích sự thành công ngoài sức tưởng tượng của GW trong suốt hơn 40 năm qua (1975-hiện tại) luôn luôn là một bài toán hóc búa đối cho các nhà phân tích. Với trò chơi Warhammer Fantasy, GW đã kết hợp thành công rất nhiều yếu tố để thu hút người chơi: Mô hình đẹp, nhưng đủ đơn giản để lắp ráp và sơn cho những trận chiến lớn, một hệ thống luật đủ phức tạp để thu hút những người chơi trưởng thành nhưng cũng dễ tiếp cận với người vị thành niên và đặc biệt là một bối cảnh thế giới cực kì lôi cuốn hòa quyện từ lịch sử Châu Âu tới những cảm hứng từ các nhà văn Fantasy rất được ưa chuộng như Tolkien, Robert Howard hay Michael Moorcock. Tiếp sau Fantasy, GW cho ra đời Warhammer 40000 còn thành công vang dội hơn. Từ một môn giải trí chỉ giới hạn trong vài trăm người tương đối lớn tuổi ở ngay những quốc gia phổ biến nhất, game Sa bàn chiến thuật ngày nay đã có mặt tại tất cả các khu vực mua sắm đông đúc tại các thành phố Âu Mỹ, trong các GW Hobby store nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi có thể giao đấu với nhau trong niềm vui và tiếng cười (thỉnh thoảng cũng đi cùng với những tiếng kêu la và hành động đập bàn đập ghế đập mô hình không thể tránh khỏi!)

Warhammer 40K ra đời tạo bước ngoặt cho sự phát triển của Game sa bàn trên thế giới

Tất nhiên mọi chuyện không phải lúc nào cũng là màu hồng. Warhammer Fantasy trở nên quá phức tạp nên đã bị khai tử vào năm 2015 gây ra phẫn nộ cho người chơi toàn cầu (trong đó có người viết bài này!) Trong nhiều giai đoạn, tương lai của GW cũng như của game Sa Bàn rất u ám với sự bùng nổ của Video Games cũng như sự ra đời của các công nghệ in 3D tại nhà. Nhưng bất chấp mọi yếu tố trên, cho tới thời điểm đầu của năm 2018, thế giới trò chơi Sa bàn chiến thuật vẫn tràn đầy sức sống. Bản thân GW đạt mức doanh thu kỷ lục trong năm 2017. Nhiều nhà phát triển game huyền thoại cho GW nay đã ra làm riêng và tạo thành công lớn cho các công ty game Sa bàn của mình như John Stallard, Rick Priestley ở Warlord Games, anh em nhà Perry ở Perry Miniatures hay Alessio Cavatore với Mantic Games… Các tựa game Sa Bàn khác phát triển muộn hơn thế giới Warhammer như Warmachine, Infinity, Star Wars X- Wing, Malifaux, Saga, Lion (Dragon) Rampant…đều có lượng người chơi tăng không ngừng. Trong một thế giới mà ngay cả người anh em với game sa bàn là Boardgame đang lan tỏa nhanh chóng, chúng ta có thể tạm thời kết luận là chính video games mới rơi vào tình trạng bão hòa, còn nhu cầu của con người để chơi những game tương tác trực tiếp đã và đang trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Ghi chú: Định nghĩa về Trò chơi Sa bàn chiến thuật (Tabletop Miniature Wargame) là trò chơi đối kháng giữa hai hay nhiều người chơi, sử dụng các mô hình thu nhỏ với các tính năng đã được quy định rõ ràng trong các tài liệu chiến thuật liên quan, để đấu với nhau trên một mặt bàn lớn bao gồm nhiều sa bàn. Trong bài viết này tất cả danh từ cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh được sử dụng là game Sa bàn, trò chơi Sa bàn, tabletop wargame đều được dùng để chỉ đúng Trò chơi nói trên.

ĐỌC THÊM:

Khám phá các huyền thoại của Warhammer

Hướng dẫn cách chơi Warhammer 40K cho người mới

Hướng dẫn cách chơi Warhammer Age of Sigmar cho người mới 

 

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận