[Miniature Gaming] Giới thiệu sơ lược về game sa bàn chiến thuật
- Người viết: Admin lúc
- Blog
- - 0 Bình luận
Game sa bàn (Miniature Wargaming) là dạng thức chơi sa bàn chiến thuật mà người tham gia mô phỏng lại các trận đánh giữa các đạo quân với nhau, sử dụng các mô hình tĩnh nhỏ mô phỏng lại binh lính, pháo binh cũng như xe cộ trên chiến trường. Việc sử dụng mô hình là để đối lập với các loại hình game sa bàn khác sử dụng các vật trừu tượng như các vật đếm hoặc các loại hình khối để mô phỏng các đơn vị lính. Hiệu ứng hình ảnh và sự thỏa mãn về mặt chiến lược khi các mô hình được sơn sửa tỉ mỉ và di chuyển qua chiến trường đẹp là một sự hấp dẫn đối với những người hâm mộ dòng game này, và người chơi thường sẽ trầm trồ về kỹ năng sơn mô hình cũng như kĩ năng cầm quân khi chơi.
Miniature Wargaming thường sử dụng các hệ tính toán cùng với hệ thống đổ xúc xắc (dice roll) cùng với các chỉ số liên quan tới mô hình trên chiến trường để người chơi tiện so sánh khi chơi.
MÔ HÌNH CHƠI WARGAMING
Hầu như mô hình ngày xưa đều được làm bằng chì hoặc thiếc, tuy nhiên ngày nay chúng đều được chuyển sang đúc bằng nhựa polystyrene hoặc resin. Các mô hình nhựa rất rẻ để sản xuất hàng loạt nhưng lại cần 1 lượng đầu tư lớn vì chúng cần khuôn bằng thép khá đắt tiền. Các mô hình bằng chì hoặc thiếc thì ngược lại, có thể được làm từ khuôn cao su.
Các hãng mô hình lớn như Games Workshop thường hay sản xuất các mô hình bằng nhựa, (đôi khi vào những đợt hàng Made to Order, họ sẽ đổ khuôn cao su để làm các mô hình bằng kim loại số lượng giới hạn), còn những hãng nhỏ hơn thì ngược lại, thích sản xuất mô hình kim loại vì chi phí đầu tư sản xuất thấp. Mô hình Wargaming thường đi với tỉ lệ cơ thể không đều. Tay của chúng có thể bị quá cỡ, hoặc vũ khí có thể bị dày hơn bình thường. Một lý do nữa cho việc này là việc làm các mô hình trông có vẻ đô con vì các chi tiết dày thường sẽ ít bị cong và gãy hơn. Tham khảo các mô hình đang bày bán tại Iron Hammer tại đây.
LẮP RÁP VÀ SƠN MÔ HÌNH
Các mô hình wargame thường được bán theo các phần và chủ yếu đi kèm với các khung (khuôn có sẵn - Sprue). Với trường hợp của mô hình nhựa, chúng thường được đính kèm trên khung nhựa. Người chơi phải cắt các phần ra khỏi khung nhựa bằng các dụng cụ như kềm và dao cắt mô hình, sau đó dính chúng lại với nhau. Sau khi lắp ráp xong, mô hình sẽ cần được sơn.
Nói một cách nghiêm túc, một người chơi vẫn có thể chơi với các mô hình không được sơn hoàn chỉnh (hoặc tệ hơn là KHÔNG HỀ CÓ MỘT LỚP SƠN NÀO) nhưng các mô hình được sơn tỉ mỉ vẫn đẹp hơn và rất dễ nhận biết hơn khi lên bàn chơi. Tuy nhiên, thời gian cùng kĩ năng trong việc lắp ráp và sơn mô hình có thể gây cản trở một chút đối với những người muốn chơi wargame, vì đối với người mới chơi, các kỹ năng mài, cắt mô hình cùng việc sử dụng keo dính các phần lại với nhau là một việc đòi hỏi sự hướng dẫn tỉ mỉ từ những người chơi gạo cội đi trước. Một số hãng cũng đã cố gắng thử bán các mô hình đã ráp sẵn hoặc mô hình đã được sơn, tuy nhiên việc này khá hiếm vì với công nghệ hiện tại, rất khó để sản xuất hàng loạt các mô hình giá thành rẻ mà màu lại đẹp như sơn thủ công được. Thành thử ra người chơi wargame sẽ có các lựa chọn khác đó là mua lại các mô hình đã qua sử dụng hoặc thuê một thợ sơn mô hình lành nghề để sơn toàn bộ đội quân của mình với một mức giá vừa phải.
ĐỌC THÊM:
KÍCH THƯỚC MÔ HÌNH
Kích thước của một mô hình sẽ tương ứng với một tỉ lệ nào đó so với thực tế. Thí dụ như các mẫu mô hình xe hơi, nếu có tỉ lệ 1;100, có nghĩa là 1cm sẽ tương ứng với 100cm; và theo như tỉ lệ này, nếu mô hình xe hơi có dài 4.5cm thì có nghĩa là ngoài thực tế chiếc xe thật sẽ dài 4.5m.
Với trường hợp của các mô hình người hoặc nhân vật, phương pháp đo được ưa dùng nhất là đo chiều cao của mô hình theo dạng milimet. Không có 1 hệ thống đo cụ thể nào cho kích cỡ chuẩn của mô hình, vì thế nên kích thước mô hình khi được quảng cáo thường không hề khớp với kích cỡ thật. Việc này sẽ rõ ràng hơn khi so sánh các mô hình từ các hãng khác nhau. Một số hãng sẽ đo chiều cao mô hình từ đỉnh đầu, còn các hãng khác thì sẽ đo từ mắt (cách đo sau sẽ khá khó nếu mô hình có đội mũ). Còn một lí do khác nữa là “kích cỡ kì lạ”. Để sản phẩm của mình độc và lạ so với các bên cạnh tranh, nhiều hãng mô hình thường đúc sản phẩm của mình to hơn một chút. Mô hình khi đúc như này sẽ trông oai vệ hơn và có thể đi sâu vào chi tiết hơn. Vì vậy, một mô hình từ một hãng sản xuất nhất định khi được quảng cáo là mô hình 28mm dành cho các game sa bàn – trong thực tế nó sẽ cao khoảng 30mm. Hãng sản xuất có thể đề rằng mô hình của mình của mình là 30mm, tuy nhiên khi đó những người hay sử dụng mô hình 28mm có thể sẽ không muốn mua mô hình như vậy.
Hơn nữa, với hầu hết những người chơi wargame, kích cỡ của mô hình không quan trọng bằng luật chơi của chúng. Trong hầu hết các hệ thống wargame, điều quan trọng nhất là đế (base) của mô hình đang đứng. Khoảng cách giữa từng đơn vị sẽ được đo từ mé base. Người chơi có thể đính mô hình với bất kỳ kích cỡ nào vừa với base. Anh ta có thể mô phỏng lại một đơn vị 20 cung thủ bằng việc dùng 20 mô hình 6mm hoặc 5 mô hình 28mm (trong đó một mô hình sẽ tính là 4 cung thủ) trên cùng một base. Việc người chơi sử dụng nhiều mô hình từ các hãng khác không hề quan trọng, chỉ cần kích thước của chúng vừa với base.
Một số hãng còn chẳng thèm quan tâm tới kích thước thực sự với mô hình của mình. Ví dụ, các mô hình trong seri Warhammer 40000 thường không hề có kích thước chuẩn. Vốn dĩ Warhammer 40000 được Games Workshop sản xuất riêng cho dòng game cùng tên đó và chúng cũng có thiết kế riêng.
HỆ THỐNG ĐO TRỪU TƯỢNG
Hầu hết các game sa bàn thường không có hệ thống đo cụ thể, ví dụ như việc mô hình di chuyển thế nào hay khoảng cách bắn. Lý do cho việc này phần lớn là vì chúng ta cần bo hẹp không gian trận chiến trên một mặt bàn. Chính vì thế, các game sa bàn sẽ sử dụng các hệ đo trừu tượng (abstract scaling).
Lấy ví dụ, một mô hình lính bắn tỉa 28mm ngoài đời thực có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa 6m, tuy nhiên điều này sẽ là không thể khi chơi trên mặt bàn bình thường. Game sa bàn sẽ chẳng còn thú vị nếu các mô hình có thể bắn nhau xả láng từ đầu bàn tới cuối bàn mà không hề có sự di chuyển quanh chiến trường. Game sa bàn Bolt Action đã sử dụng hệ thống đo trừu tượng mô phỏng lại khoảng cách để game có thể chơi thoải mái trên bàn rộng 48 inch (tức 122cm). Tầm bắn của súng trường được rút xuống còn 24 inch (60cm), tuy nhiên mức này vẫn gấp đôi tầm bắn của các khẩu súng tiểu liên, và gấp bốn lần một khẩu súng lục. Mức đo này vẫn chưa hề chuẩn, tuy nhiên nó sẽ cho người chơi cảm giác thực tế khi chơi.
Trên đây là một số những giới thiệu sơ lược về Miniature Gaming. Tìm hiểu thêm về thể loại game sa bàn chiến thuật này tại website của Iron Hammer.
ĐỌC THÊM:
Viết bình luận
Bình luận