Trong nhiều thập kỷ qua, cộng đồng những người đam mê board game nói chung và Warhammer nói riêng đã bắt đầu chú trọng hơn đến các kỹ thuật model painting với mục đích là tạo ra các mô hình được tô vẽ đẹp mắt và ấn tượng. Dưới đây là một số những bước sơn mô hình cơ bản mà bất kỳ người chơi nào khi bắt tay vào quá trình sơn mô hình cũng cần phải biết.
1. Sơn lót - Undercoating:
Đầu tiên, nói về sơn lót, đây là quá trình rất quan trọng cho phép các lớp sơn tiếp theo được dính chắc vào mô hình và không bị bong ra ngoài. Hầu hết mọi người thường sử dụng sơn phun để sơn lót cho toàn bộ mô hình, vừa nhanh lại vừa hiệu quả.
Có rất nhiều các loại sơn phun Citadel khác nhau, như Chaos Black, Corax White, Retributor Armour và Leadbelcher, v.v ... Đối với những người sơn mới, chưa hiểu rõ về loại sơn phun này, điều quan trọng đầu tiên là phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để đảm bảo các vấn đề về an toàn và sức khỏe. Đặc biệt, khi sử dụng sơn phun, lựa chọn một khu vực thông thoáng để tránh làm lem sang các đồ vật, dụng cụ khác. Iron Hammer khuyến khích người sơn sử dụng một vật hoặc thanh đỡ để cố định mô hình với keo hoặc bằng dính hai mặt. Nhờ vậy, bạn có thể phun toàn bộ mô hình ở nhiều góc độ khác nhau mà không cần chạm vào mô hình khi lớp sơn chưa khô.
Trước khi phun, lắc đều lọ sơn trong khoảng 2 phút để tránh tình trạng hạt sơn bị cặn ở dưới đáy lọ sau một thời gian không sử dụng. Nếu ít hơn 2 phút, thông thường sẽ gặp một số những trường hợp sau: lớp sơn không đều, chỗ vệt chỗ loãng hoặc cơ bản là một mô hình trở nên ‘nhem nhuốc’. Đảm bảo giữ cho lọ sơn hướng thẳng đứng trong quá trình phun, giúp cho lượng sơn được ra đều và liên tục.
Tránh sử dụng sơn phun khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh ở ngoài trời. Trong điều kiện quá lạnh, lớp sơn khó khô, không đều màu. Thông thường, nên sử dụng sơn phun trong điều kiện nhiệt độ từ 15 - 25 độ C.
Ngoài ra, trong quá trình phun, thay vì phun sơn liên tục ở khoảng cách gần dễ làm che mất đi các chi tiết nhỏ trên mô hình, hãy phun các lớp mỏng, nhanh (dưới 1 giây) trong phạm vi từ 25 - 30 cm. Điều này cũng giúp người chơi tiết kiệm được một lượng sơn thừa đáng kể.
Sau cùng, khi đã sơn lót toàn bộ mô hình, vệ sinh sạch sẽ miệng xịt để tránh sơn bị vón cục tại đây, dễ làm tắc lọ sơn sau này.
XEM THÊM:
2. Sơn nền - Basecoating:
Lớp nền là lớp sơn đầu tiên được phết lên mô hình sau lớp lót, giúp việc sơn các lớp sơn tiếp theo trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Có 4 loại cọ Base được sử dụng cho bước sơn nền. Thông thường, hãy sử dụng loại cọ có kích cỡ đầu bút lớn nhất có thể, để quá trình sơn nền có thể diễn ra vừa nhanh vừa dễ dàng.
Mặc dù, có vẻ sẽ thích thú hơn nếu phết trực tiếp sơn lên trên mô hình mà không qua bước thin (pha loãng), người sơn không nên thực hiện điều này vì có thể mang lại một số những bất lợi nhất định. Ngoài việc làm tiêu tốn nhiều sơn hơn mức cần thiết, bạn sẽ không thể kiểm soát được hình dạng cũng như độ dày mỏng của từng lớp khi sử dụng các loại cọ khác nhau.
Đầu tiên, lấy ra một lượng sơn vừa đủ lên bảng màu và pha loãng với lượng nước nhất định để đảm bảo rằng khi phết lên mô hình, lớp sơn không bị quá dày. Khuyến khích sơn hai lớp mỏng thay vì một lớp dày thông thường nhằm giúp điều chỉnh lớp sơn đều nhau, không có chỗ bị dày sơn hoặc mỏng sơn.
XEM THÊM:
3. Sơn đổ bóng - Shading:
Sơn shade Citadel thì loãng hơn các loại sơn khác cùng hãng, đặc biệt, sơn sẽ đọng lại nhiều hơn tại các khe, rãnh và xung quanh các chi tiết của mô hình. Thường được sử dụng sau khi dùng lớp sơn nền, sơn bóng giúp làm nổi khối mô hình. Công đoạn sơn bóng được thực hiện đơn giản, đem lại hiệu ứng tuyệt vời trên nhiều loại model khác nhau với đa dạng kích thước, từ những quái thú khổng lồ và máy móc chiến đấu, đến các con vật nhỏ bé hay chi tiết tinh vi.
Thông thường, người sơn sẽ dùng sơn shade trước khi bắt đầu bước sơn lớp và đánh cọ khô. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dùng sơn shade sau khi đã hoàn thành xong quá trình sơn để làm nổi bật lên các vị trí có thể bị lớp sơn layer hoặc dry che khuất trước đó. Nhìn chung, có 3 kỹ thuật sơn bóng thường được sử dụng: sơn bóng toàn bộ mô hình, sơn bóng từng phần và chỉ sơn bóng các khe, rãnh. Hai kỹ thuật đầu có thể phủ lên mô hình trên phạm vi rộng, kỹ thuật thứ ba thì đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ và cẩn thận hơn.
Cọ sơn shade có đầu bút được thiết kế riêng để có thể giữ được nhiều lượng sơn lỏng nhất có thể. Bởi vì tình chất sơn tương đối loãng hơn so với các loại sơn khác, như được nói ở trên, sơn shade đòi hỏi thời gian khô lâu hơn, khoảng 30 phút cho mỗi mô hình. Tránh sử dụng máy sấy để đẩy nhanh tiến độ vì điều này dễ khiến sơn shade bị 'bay màu' khỏi vị trí ban đầu mà bạn muốn.
XEM THÊM:
4. Sơn cọ khô - Drybrushing:
Sơn cọ khô giúp tạo ra các đường vân nổi bật và sáng màu hơn ở trên mô hình. Bước này được hầu hết người sơn mô hình áp dụng bởi độ hữu hiệu và kết quả tạo ra đáng kinh ngạc của nó.
Cách ứng dụng sơn cọ khô cũng rất đơn giản. Ban đầu, lấy một lượng sơn dry nhất định trên đầu cọ, sau đó, lau bớt lượng sơn thừa lên trên khăn giấy, chỉ để một lượng sơn rất nhỏ còn dư lại. Khi bạn phết sơn dry lên trên model, bạn sẽ thấy sơn được dính lên từ từ. Phết càng lâu, lớp dry càng dày. Lặp lại các bước trên cho đến khi bạn đạt được một lớp sơn như ý.
Sơn cọ khô đặc biệt ở chỗ bạn có thể nhìn thấy kết quả trên mô hình ngay lập tức. Người sơn có thể kết thúc bước dry brushing khi các cạnh, rìa, bờ của mô hình có màu sắc sáng hơn các vùng còn lại.
XEM THÊM:
5. Sơn lớp - Layering:
Sơn lớp là công đoạn sơn giúp đem lại các hiệu ứng thực sống động trên mô hình. Về bản chất, bước sơn này đồng nghĩa với việc bạn sẽ sử dụng một loại sơn đồng màu nhưng sắc tố nhạt hơn để quét lên trên các vị trí của mô hình mà bạn mong muốn.
Có 2 kỹ thuật sơn lớp chính. Kỹ thuật thứ nhất dùng cho các bề mặt nổi, làm bật lên lớp nền và lớp shade ở các khe, rãnh - những vị trí còn lại trên mô hình. Bởi vì sơn layer có độ đặc kém hơn sơn base, nên khi áp dụng kỹ thuật thứ nhất này, cần sử dụng ít nhất từ hai đến ba lớp layer để có thể che phủ được các lớp màu tối hơn nằm ở bên dưới. Kỹ thuật thứ hai được sử dụng để tái hiện hiệu ứng ánh sáng trên các mép, cạnh, rìa của mô hình. Thực tế, khi ánh sáng chiếu vào, các vị trí này thường nổi bật và sáng hơn các phần còn lại. Áp dụng điều này vào quá trình sơn mô hình, kỹ thuật layer sẽ giúp mô hình trông sống động và chân thực hơn rất nhiều.
XEM THÊM:
6. Sơn hiệu ứng - Technical Painting:
Sơn kỹ thuật còn được gọi là technical painting. Thường được áp dụng ở những bước cuối cùng trong quá trình sơn một mô hình, sử dụng để làm nổi bật hiệu ứng hay tính chất của một số chi tiết, chẳng hạn như máu đông, gỉ sắt trên khiên, giáo, mác hay lớp đất khô cằn trên bề mặt đế base.
Mặc dù có tên gọi là sơn kỹ thuật, song, cách ứng dụng của loại sơn này không hề khó. Xem video của Games Workshop để biết rõ hơn. Ngoài ra, một số loại sơn technical còn được dùng giống như một lớp véc-ni quét bên ngoài mô hình để bảo vệ các lớp sơn bên trong.
XEM THÊM:
7. Sơn base mô hình - Basing:
Thực tế, một mô hình vẫn chưa được coi là hoàn chỉnh khi base (đế) của model vẫn còn là một lớp nhựa 'xám ngắt'. Vì vậy, sơn Citadel Texture được tạo ra dành riêng cho công đoạn này Người sơn chỉ cần lấy ra một lượng sơn Texture vừa đủ sau đó phết trực tiếp lên trên bề mặt base. Sau khi sơn khô, sử dụng sơn shade hoặc dry để tạo thêm hiệu ứng.
Với sơn texture, lưu ý rằng chất liệu sơn dày và 'sạn' sẽ dễ dàng làm hỏng phần lông trên cọ, đặc biệt khi sử dụng bút lông để phết sơn lên xung quanh đế model. Vì vậy, lời khuyên dành cho người chơi là sử dụng dụng cụ texture Spreader với phần đầu được thiết kế giống như một chiếc 'bay thợ hồ’ (sử dụng trong xây dựng) giúp bạn có thể lấy sơn ra ngoài và phết lên mô hình một cách dễ dàng, hiệu quả.
XEM THÊM:
KẾT LUẬN
Trên đây là các kỹ thuật sơn cơ bản mà Iron Hammer nghĩ rằng người chơi nào cũng có thể áp dụng để tự tạo ra được những mô hình đẹp mắt và ấn tượng. Hãy ghé thăm Store hoặc website của Iron Hammer để cập nhật nhiều thông tin thú vị khác.
TÌM HIỂU THÊM:
Viết bình luận
Bình luận